THÔNG TIN CHI TIẾT


Chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm

Diễn ra vào lúc: 14:30 - Ngày 25/04/2023

Chương trình tiếp nhận câu hỏi từ hôm nay tại địa chỉ www.doithoai.danang.gov.vn, thư điện tử: doithoai@danang.gov.vn hoặc qua số điện thoại: 0236.1022/nhấn số 1 (Trong thời gian diễn ra buổi đối thoại)
Chương trình đối thoại trực tuyến của Cổng Thông tin điện tử thành phố được cập nhật liên tục tại địa chỉ www.doithoai.danang.gov.vn và fanpage của chương trình tại địa chỉ https://www.facebook.com/congthongtindientutpdanang
Quý vị  có thể tham dự và đặt câu hỏi trực tiếp tại buổi đối thoại cùng chúng tôi, thông tin đăng ký xin vui lòng gửi thư điện tử về địa chỉ doithoai@danang.gov.vn.
Số câu hỏi tham gia/Số câu hỏi đã trả lời: 23/ 23
Xem MC Chương trình hỏi:
Thưa Bác sĩ Nguyễn Hóa, bác sĩ có thể tổng quan về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam và thành phố Đà Nẵng hiện tại?

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 17/4/2023: Việt Nam có 11.532.103 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.541 ca nhiễm). Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.615.395 ca. 
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm, xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, cộng dồn từ 01/01/2023 đến 16/4/2023: Ghi nhận 97 ca mắc COVID-19, trong đó: 5 ca ngoại tỉnh. Giảm 2.541 lần so với cùng kỳ năm 2022. Không ghi nhận ca tử vong liên quan đến COVID-19.
Tuần 15/2023 (Từ 10/4-16/4/2023) ghi nhận 55 trường hợp COVID-19, tăng 72,7% so với tuần trước. Trong đó: tất cả 55 ca mắc tự đến các Bệnh viện, Phòng khám, TTYT, Trạm Y tế khám bệnh, xét nghiệm. 




Xem Nguyễn Văn Tuấn (trú quận Ngũ Hành Sơn) hỏi:
Dự báo tình hình dịch COVID-19 trong năm 2023 sẽ như thế nào? 

Nhìn chung, năm 2022, Ngành Y tế đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thành tốt các hoạt động chuyên môn phòng chống dịch.
Năm 2023, bên cạnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên quy mô toàn cầu, tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới nói chung và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng dự báo diễn biến khó lường. 
Đánh giá chung tình hình dịch COVID-19 trong nước và Thành phố Đà Nẵng với trung tâm văn hóa - xã hội và phát triển công nghiệp du lịch của khu vực miền Trung nên số người tập trung giao lưu cao; là đầu mối giao thông trong nước và cửa khẩu quốc tế nên dự báo số mắc thời gian tới có thể gia tăng. Hiện nay, dù số ca mắc tăng, nhưng theo đánh giá sơ bộ về cấp độ dịch dựa vào số liệu về số ca mắc, tử vong; độ bao phủ vaccine; khả năng đáp ứng thu dung với quy mô toàn quốc; thì tất diễn biến dịch tại Việt Nam và Đà Nẵng không vượt qua cấp độ 1. 




Xem Thanh Hằng (trú quận Sơn Trà) hỏi:
Trong phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, trường hợp nào cá nhân phải bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, địa điểm cụ thể theo quy định?

Theo Bộ Y tế, việc sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng là một biện pháp dự phòng cá nhân góp phần làm giảm sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân nhất là đối tượng nguy cơ cao như người có bệnh lí nền, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người béo phì.
Tại Quyết định 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022, Bộ Y tế quy định, các trường hợp bắt buộc phải sử dụng khẩu trang áp dụng chung với người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; tất cả các đối tượng (trừ trẻ em dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4.
Việc áp dụng đeo khẩu trang với các trường hợp cụ thể như sau:
- Tại cơ sở y tế; nơi cách ly; nơi lưu trú có người đang cách ly hoặc đang theo dõi, giám sát y tế: Áp dụng với tất cả đối tượng (trừ người cách ly ở phòng đơn; người bị suy hô hấp, người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế, trẻ dưới 5 tuổi).
- Khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng: Áp dụng với cả hành khách, người điều khiển, người phục vụ, nhân viên phục vụ, người quản lý, lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc với hành khách. 
- Tại trung các tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối: Áp dụng với nhân viên phục vụ, quản lý, lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
- Tại nơi có không gian kín, thông khí kém như quán bar, vũ trường, karaoke, làm đẹp, phòng tập thể dục, quán ăn, rạp chiếu phim, nhà hát, trường quay:
Áp dụng với nhân viên, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. 
- Tại cơ sở văn hóa, du lịch, những nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người: Áp dụng với nhân viên phục vụ, quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc với khách hàng và người tham dự.
- Tại những nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch: Áp dụng với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc với khách hàng. Các trường hợp khác ngoài các địa điểm, đối tượng nêu trên được khuyến khích sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng.




Xem Kim Anh (trú quận Cẩm Lệ) hỏi:
Nếu tôi đã từng nhiễm COVID-19, tôi có nên tiêm vắc-xin không? Hiện nay nếu muốn tiêm thì tôi có thể tiêm tại đâu?


Có, bạn vẫn nên tiêm vắc-xin ngay cả khi bạn đã từng nhiễm COVID-19 trước đó. Mặc dù những người hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 có kháng thể tự nhiên nhưng vẫn không chắc chắn khả năng miễn dịch đó kéo dài bao lâu hoặc có thể bảo vệ bạn chống lại sự tái nhiễm COVID-19 tốt như thế nào. Vắc-xin cung cấp sự bảo vệ đáng tin cậy hơn, đặc biệt là chống lại biến chuyển nặng dẫn đến tử vong. 




Xem Phạm Lộc hỏi:
Vì sao cần tiêm đủ 2 liều vắc xin cơ bản phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12. Nếu không tiêm hoặc tiêm không đủ thì như thế nào?


Với các vắc xin phòng COVID-19 có lịch tiêm 2 mũi, nếu không tiêm mũi thứ hai, sau một thời gian, nồng độ miễn dịch sẽ giảm và lâu hơn nữa sẽ không bảo vệ người tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh COVID-19 nói riêng.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc COVID-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong. Mà tỷ lệ không nhỏ trong số đó là do chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin cơ bản.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu COVID-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. 
Vì vậy, tiêm đủ và đúng lịch 02 liều cơ bản vắc xin COVID-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh.




Xem Lê Na hỏi:
Mục tiêu về công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố trong năm 2023 là gì?



Mục tiêu chung của công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố năm 2023 là: Giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020. Khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội. 
Một số chỉ tiêu cụ thể 
- Tỷ lệ tiêm chủng cắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô cấp xã.
- 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời.
- 100% hành khách xuất, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm để tổ chức quản lý, cách ly.




Xem Hà Minh (trú quận Ngũ Hành Sơn) hỏi:
Kỳ nghỉ lễ đang đến gần, vậy người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động tham quan, du lịch, vui chơi?


Hiện nay, số ca mắc COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng. Thêm nữa, các biến thể, biến thể phụ của vi-rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, trong khi đó miễn dịch do tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, để có kỳ nghỉ lễ an toàn chúng ta cần chủ động thực hiện 5 bí quyết phòng, chống COVID-19 sau:
1. Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch để duy trì miễn dịch
2. Đeo khẩu trang theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế
3. Thường xuyên rửa tay sạch, khử khuẩn...
4. Dinh dưỡng đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc... để tăng cường hệ miễn dịch.
5. Cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo phòng dịch.




Xem Khánh Nguyên (trú quận Hải Châu) hỏi:
Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, những ai cần đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm phát hiện có mắc COVID-19 hay không?

Những trường hợp cần được xét nghiệm COVID-19 là:
- Những trường hợp có biểu hiện bất thường về đường hô hấp (bao gồm khó thở, ho khan, đau họng, đau nhức mũi, nghẹt mũi, tiêu chảy bất thường, sốt cao,…).
- Người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19, sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
- Trực tiếp chăm sóc cho người bệnh COVID-19.
- Trong khu vực sinh sống có người nhiễm bệnh. 




Xem Hồng Linh (sinh viên đang sinh sống tại quận Liên Chiểu) hỏi:
 Em có thể ngừng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ngay sau khi tiêm vắc-xin không?


Hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và bạn bè nếu vẫn còn các ca nhiễm COVID-19 ở nơi bạn đang sống, ngay cả sau khi bạn đã tiêm vắc-xin. Vắc-xin COVID-19 có hiệu quả cao trong việc chống lại các biến chứng nghiêm trọng và tử vong, nhưng không có vắc xin nào có hiệu quả 100% ngăn chặn việc lây lan virus.
Ngoài việc tiêm vắc-xin COVID-19, điều quan trọng vẫn là tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo 2K (Khẩu trang+Khử khuẩn) của Bộ Y tế




Xem Trần Thị Bích Hạnh hỏi:
 Hiện nay, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng và xuất hiện nhiều biến chủng mới có khả năng lây lan mạnh. Vậy ngành y tế đã triển khai các biện pháp gì để kiểm soát dịch bệnh?

Nhiều ngày qua, tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam có diễn biến mới khi số lượng ca mắc tăng nhanh. Trước tình hình này, ngành y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo, tiếp tục thực hiện công tác giám sát, phát hiện, nâng cao công tác báo cáo, phối hợp xử lý trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trước nguy cơ xâm nhập và lây lan của các biến chủng mới, thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp, các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát hiện sớm, ứng phó kịp thời, hiệu quả, trong đó tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp bệnh nhân là nhập cảnh và ngoại tỉnh, đặc biệt các trường hợp đến/đi/về từ các quốc gia, khu vực, địa phương đã ghi nhận biến chủng mới.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ
động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp
ứng yêu cầu điều trị. 
Tiếp tục tăng cường công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương có tỷ lệ chưa đạt 80%. 




Xem Bích Vân (trú quận Hải Châu) hỏi:
Hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 đối với các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 hiện nay?



Theo nghiên cứu, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều vẫn là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vắc xin vẫn thể hiện rõ hiệu quả trong việc phòng được ca nặng, nhập viện và tử vong, đặc biệt là đối với các nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai..
Tuy nhiên, cũng xin lưu ý rằng miễn dịch có được từ vắc xin hoặc có được sau khi đã mắc bệnh sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 đến 6 tháng. Do đó, người dân cần tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì được miễn dịch và tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế, không lơ là chủ quan đặc biệt trong giai đoạn sắp tới, khi cả nước sẽ bước vào kỳ nghĩ lễ dài, gia tăng sự giao lưu nên nguy cơ lây nhiễm cũng sẽ tăng.




Xem Trần Thau (trú huyện Hòa Vang) hỏi:
Theo thông tin hiện nay, xuất hiện biến thể mới COVID-19 có khả năng lây lan mạnh hơn, vậy nó có thực sự nguy hiểm hay không?

Một trong những biến thể mới nhất của Omicrom, có khả năng lây truyền cao là biến thể XBB.1.5. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) biến thể này có khả năng lây lan nhanh, vì virus có nhiều khả năng tiếp cận những người dễ bị tổn thương, những người có thể phải nhập viện hoặc tử vong khi nhiễm COVID-19, đặc biệt nếu họ chưa tiêm liều vắc xin nhắc lại mới nhất. XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3-2023, so với 39,8% trong tháng 2-2023), XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia.
Tại Việt Nam: Theo báo cáo của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, tiến hành giải trình tự SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn từ ngày 11/1/2023 đến 20/3/2023, kết quả có 5 mẫu được giải mã thành công. Trong số này có 2 chủng thuộc biến thể phụ BA.5 (2/5, 40%), 1 mẫu BA.2.75 (1/5, 20%), 1 mẫu XBB.1 (1/5, 20%) và 1 mẫu XBB.1.5 (1/5, 20%).
Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành. WHO xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm (Variant Of Interest - VOI), tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Có 7 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi (Variant Being Monitored - VBM) bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1.
Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại (Variant Of Concern - VOC) hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (Variant Of High Consequence - VOHC).
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm. 




Xem Minh Thành (trú quận Thanh Khê) hỏi:
Tôi có thể tiêm trộn các loại vắc xin phòng COVID-19 được không?


Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục cập nhật và ban hành các văn bản hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng trên cơ sở hướng dẫn của nhà sản xuất, khuyến cáo của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế. Theo đó, có một số điểm chính trong việc sử dụng vắc xin như sau:
- Đối với đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi: cần tiêm đủ 2 liều cơ bản của cùng 1 loại vắc xin (loại vắc xin có thể là Pfizer hoặc Moderna)
- Đối với đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi: cần tiêm đủ 2 liều cơ bản và 1 liều nhắc lại bằng vắc xin Pfizer
- Đối với đối tượng từ 18 tuổi trở lên: tiêm nhắc lại lần 1 cùng loại vắc xin với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA; hoặc vắc xin AstraZeneca nếu tiêm liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero Cell) hoặc vắc xin mRNA. Trong trường hợp tiêm nhắc lại lần 2 sử dụng vắc xin mRNA (vắc xin Pfizer hoặc Moderna); vắc xin AstraZeneca; vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1).
Để có hướng dẫn cụ thể hơn, bạn có thể liên hệ với các Trạm Y tế hoặc Trung tâm Y tế trên địa bàn để được tư vấn và tiêm phòng sớm nhất nhé.




Xem Kiều Hương (trú quận Liên Chiểu) hỏi:
Tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay như thế nào khi thời gian vừa rồi, thời tiết mưa nắng khá thất thường? 

Theo số liệu ghi nhận của Cục YTDP-BYT, tính đến ngày 12/4/2023:
- Cả nước ghi nhận 263.317 ca SXH, tử vong do SXH là 03 trường hợp.
- Miền Bắc: 593 ca SXH, tử vong: 0
- Miền Nam: 16.839 ca SXH, tử vong: 0
- Tây Nguyên: 1.074 ca SXH, tử vong: 0
- Miền Trung: 7.811 ca SXH; tử vong: 3 trường hợp tử vong do SXH. 
Trong đó: Khánh hoà: 01 trường hợp, Phú Yên : 02 trường hợp
Tình hình SXH tại TP Đà Nẵng (tính đến ngày 16/4/2023)
STT Địa phương Ca mắc năm 2023 Cùng kỳ năm 2022 Tăng so với năm 2022
1 Hải Châu          194   62 Tăng 212.90 (3,13 lần)
2 Thanh Khê 277 156 Tăng 77.56 (1,78 lần)
3 Sơn Trà        140 38 Tăng 268.42 (3,68 lần)
4 Ngũ Hành Sơn 90 36 Tăng 150.00 (2,58 lần)
5 Liên Chiểu 216 448 Giảm 51.79 (0,48 lần)
6 Cẩm Lệ 177 177 0.00
7 Hòa Vang 217 122 Tăng 77.87 (1,00 lần)
Tổng cộng 1.311 1.039 Tăng 26.18 (1,78 lần)




Xem Hồng Hạnh (trú quận Cẩm Lệ) hỏi:
Các đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH? Làm sao để biết đó là muỗi mang bệnh và muỗi bình thường?

- Thời gian hoạt động hút máu của Ae.aegypti  là cả ngày lẫn đêm, tuy nhiên có 2 thời điểm mạnh nhất vào sáng sớm hoặc chập choạng tối.
- Muỗi Ae.aegypti chỉ đẻ trứng vào:
+ Dụng cụ chứa nước sạch như: lọ hoa, cây thần tài, hộp nước máy quạt nước, tủ lạnh, thùng nước chùi nhà, thùng chứa nước …
+ Dụng cụ phế thải: chén uống nước của gia cầm, hộp sữa zaout, chén bát bể ngoài vườn ..
- Sự phát triển của muỗi được trải qua 4 giai đoạn: Trứng - Bọ gậy - Quăng - Muỗi trưởng thành. Các giai đoạn phát triển này phụ thuộc vào nhiệt độ, thức ăn, mật độ Bọ gậy trong Dụng cụ chứa nước. Trong điều kiện tối ưu sau 7 ngày trứng phát triển thành Muỗi. Tuy nhiên ở nhiệt độ thấp, thời gian này có thể là vài tuần.
- Trứng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc tính bám chặt vào thành chứa nước và có khả năng chịu đựng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khô hạn trong vòng 6 tháng. Vì vậy khi súc rửa Dụng cụ chứa nước  phải lấy bót đánh quanh phía trong thành Dụng cụ chứa nước để trứng muỗi bong ra.
- Vi rút Dengue  tồn tại được trong tế bào trứng của muỗi, nếu trứng muỗi có chứa vi rút dengue ngay sau khi nở thành muỗi trưởng thành sẽ truyền bệnh sốt xuất huyết ngay cho người lành (truyền bệnh trực hệ).




Xem Phương Anh (trú quận Hải Châu) hỏi:
Phun hoá chất có phải là biện pháp PC SXH tốt nhất?


Phun hoá chất trong nhà để diệt muỗi Ae.aegypti trưởng thành truyền bệnh sốt xuất huyết mang tính cấp bách, hạn chế tức thời ca mắc SXH (do muỗi truyền bệnh SXH từ người bệnh sang người lành). Việc hạn chế số ca mắc SXH mang tính cấp thời chứ không mang tính bề vững, lâu dài. 
Biện pháp PC SXH hữu hiệu, bền vững nhất là biện pháp Diệt bọ gậy/lăng quăng là biện pháp phòng chống sXH hữu hiệu nhất (không tốn tiền; dễ thực hiện; không ô nhiễm môi trường, hiệu quả mang tính bền vững). Toàn dân nên thực hiện tốt khẩu hiệu “ Không có bọ gậy/lăng quăng, không có SXH”




Xem Nguyễn Nhật (trú quận Ngũ Hành Sơn) hỏi:
Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng không?



- Bệnh SXH là do loài muỗi vằn (Muỗi Aedes aegypti) mang vi rút Dengue truyền từ người bệnh sang người lành. 
- Có 4 type vi rút Dengue là: D1; D2; D3; D4. Mỗi người chỉ nhiễm 1 type vi rút Dengue 1 lần. Vì vậy có thể mắc bệnh SXH ≤ 4 lần trong đời.
- Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm vì:
- Lan truyền nhanh làm nhiều người mắc bệnh cùng một lúc.
- Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin chủng ngừa.
- Có thể gây tử vong nhất là trẻ em.




Xem Đinh Bảy (trú quận Ngũ Hành Sơn) hỏi:
Trước khi phun hoá chất, người dân cần thực hiện vấn đề gì?


Trước khi phun hoá chất:
 - Các hộ gia đình tự dọn dẹp, che đậy bảo vệ thực phẩm, lương thực, chậu cá cảnh ( nhất là hộ gia đình phải tắt nguồn điện khi nuôi hoặc bảo quản hải sản có sử dụng nguồn oxy nhân tạo trong khu vực được phun hoá chất), vật nuôi, bố trí người ở nhà để mở cửa trong thời gian phun hóa chất.
-  Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy lăng quăng đến từng hộ gia đình: thu gom rác thải, dụng cụ chứa nước (chai lọ, lu ,vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa )… và cần tổ chức chôn, đốt. Lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, máng gia cầm, đậy dụng cụ chứa nước bằng nắp, kín không cho muỗi đẻ trứng, đối với bẫy kiến, lọ hoa, chậu cảnh cho dầu hoặc muối để diệt trứng muỗi.
Sau khi phun hoá chất: Chủ hộ đóng hết các cửa trong nhà, chỉ để 1 cửa chính (lối ra, vào cho công nhân vào nhà phun hoá chất. Sau khi phun hoá chất  được 30 phút, chủ hộ mở cửa ra vào trong 30 - 45 phút để không khí trong nhà được hoàn lưu. Sau đó mới được vào nhà




Xem Mai Hòa (trú quận Sơn Trà) hỏi:
 Các loại thực phẩm nào giúp tăng cường đề kháng, tránh các bệnh truyền nhiễm?


Sức đề kháng chính là khả năng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Trong đó sức đề kháng tổng hợp hưởng lợi từ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng vắc-xin và tập thể dục thể thao đều đặn.
Cần ghi nhớ rằng chế độ dinh dưỡng cân bằng là tiền đề cho việc giữ cơ thể khỏe mạnh. Một bữa ăn cần phải ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng: chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra để nâng cao sức đề kháng thì chúng ta cần phải ăn nhiều hoa quả, rau xanh và các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất trong bữa ăn hàng ngày,   kèm với uống nhiều hơn 1,5 lít nước trong 1 ngày.
Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn thịt gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, không ăn thực phẩm chưa chín. Uống đủ nước theo nhu cầu, giữ vệ sinh cá nhân và nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. 




Xem Như Minh (trú quận Thanh Khê) hỏi:
Gia đình tôi các thành viên đều đã mắc COVID-19 năm ngoái và tiêm 3 mũi vaccine. Vậy bây giờ có cần tiêm mũi 4 không?



 Miễn dịch thụ động có được từ việc mắc COVID-19 và miễn dịch chủ động có được từ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 đều suy giảm theo thời gian. Do đó, để đảm bảo duy trì miễn dịch, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm liều nhắc lại đối với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin nhưng mắc COVID-19 sau đó vẫn cần tiêm mũi 4, cụ thể là tiêm mũi 4 sau khi mắc COVID-19 3 tháng và đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau khi tiêm mũi 3.




Xem Xuân Nga (trú huyện Hòa Vang) hỏi:
Hiện nay tôi thấy thông tin về dịch bệnh truyền nhiễm rất nhiều, vậy đâu là biện pháp tốt nhất để phòng tránh chung, bảo vệ sức khỏe cho người thân trong gia đình?


1. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
2. Ngủ đủ giấc phòng tránh bệnh lây nhiễm: 
3. Tiêm chủng đầy đủ
4. Làm sạch và khử trùng bề mặt
5. Rửa tay thường xuyên
6. Dùng nước sát khuẩn tay nhanh
7. Không cho tay chạm lên mặt 
8. Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân
9. Thực hiện vệ sinh khi chế biến thức ăn
10. Giữ khoảng cách
11. Đeo khẩu trang phòng tránh bệnh lây nhiễm
12. Thực hành tình dục an toàn
13. Chú ý đến thú cưng trong nhà: Chó và mèo đi ra ngoài có thể mang theo bọ ve và các bệnh liên quan như viêm não …... kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng đầy đủ, giữ vệ sinh cho thú cưng, đồng thời không nên cho chúng ăn thức ăn sống chưa qua chế biến kỹ.




Xem Hữu Đức (trú quận Sơn Trà) hỏi:
Tôi mắc COVID-19 hồi cuối năm 2022, từ đợt Tết nguyên đán đến nay, tôi bị ho không dứt dù đã dùng các loại thuốc theo chỉ định. Vậy tôi nên làm các kiểm tra nào để biết đó có phải là di chứng hậu COVID-19 không?


 Hội chứng hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai dù khi mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hay nặng. Hội chứng hậu COVID-19 tuy ít có nguy cơ tử vong, nhưng sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong một khoảng thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng của sống của bệnh nhân.

Anh hãy đến cơ sở y tế có uy tín như các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa, các bác sĩ sẽ thăm khám, chỉ định các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng bệnh, tư vấn và hướng dẫn điều trị triệu chứng và các biện pháp chăm sóc sức khỏe cần thiết. 




Xem Nguyễn Vinh (trú quận Liên Chiểu) hỏi:
Sau khi bị sốt xuất huyết, nên bổ sung những thực phẩm nào để cơ thể mau lại sức?


1. Quan trọng nhất là bù nước và điện giải
Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều gặp phải tình trạng sốt cao kèm mất nước, nên việc cung cấp bổ sung để bù cho lượng nước mất đi là vô cùng quan trọng. Người bệnh nên pha dung dịch oresol theo công thức, ngoài ra có thể uống các loại nước trái cây, nước quả ép (ví dụ như nước cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) thay vì nước lọc, vì chúng có chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật, thành mạch bền hơn và cải thiện triệu chứng do sốt xuất huyết.
2. Sử dụng thức ăn dạng lỏng
Đối với những thức ăn tốt cho người bệnh sốt xuất huyết, nên chú trọng những món ăn lỏng, mềm và dễ nuốt vì thể trạng bệnh nhân thường rất kém, dẫn đến chán ăn, khó ăn, thậm chí không thể ăn uống gì được. Các món nên ưu tiên là cháo, súp, vừa giàu dinh dưỡng vừa dễ ăn và dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa để tăng cường dinh dưỡng. Không nên ăn cơm hoặc các loại thức ăn cứng đòi hỏi phải nhai nhiều, khó nuốt.
Hầu hết các trẻ sau thời gian mới ốm dậy thường ăn chưa ngon miệng và có biểu hiện biếng ăn. Để khắc phục, phụ huynh có thể chia nhỏ bữa ăn ra, cho trẻ ăn các món dễ ăn để bù năng lượng thiếu hụt, cải thiện thể trạng của bé, sau đó mới dần quay lại chế độ ăn như bình thường. Bên cạnh đó, cha mẹ nên thay đổi khẩu vị trong những bữa ăn, nên hỏi trẻ lớn để có ý tưởng chế biến món ăn hợp khẩu vị của trẻ. Chú ý ưu tiên các loại thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất... nhằm giúp trẻ mau chóng hồi phục cơ thể sau bệnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của trẻ trong độ tuổi mới lớn.
Thông qua chế độ ăn uống hợp lý, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể cải thiện tình trạng bệnh, đồng thời rút ngắn thời gian mắc bệnh, mau chóng hồi phục và trở về nhịp sinh hoạt bình thường.
4. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ