THÔNG TIN CHI TIẾT


Chung tay thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân

Diễn ra vào lúc: 14:30 - Ngày 15/07/2022

Chương trình tiếp nhận câu hỏi từ hôm nay tại địa chỉ www.doithoai.danang.gov.vn, thư điện tử: doithoai@danang.gov.vn hoặc qua số điện thoại: 0236.1022/nhấn số 1 (Trong thời gian diễn ra buổi đối thoại)
Chương trình đối thoại trực tuyến của Cổng Thông tin điện tử thành phố được cập nhật liên tục tại địa chỉ www.doithoai.danang.gov.vn và fanpage của chương trình tại địa chỉ https://www.facebook.com/congthongtindientutpdanang
Quý vị  có thể tham dự và đặt câu hỏi trực tiếp tại buổi đối thoại cùng chúng tôi, thông tin đăng ký xin vui lòng gửi thư điện tử về địa chỉ doithoai@danang.gov.vn.
Số câu hỏi tham gia/Số câu hỏi đã trả lời: 26/ 25
Xem Chương trình hỏi:
Kính mời ông Phạm Quốc Khánh - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố thông tin về tình hình người dân tham gia Bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố đến thời điểm hiện nay?

Ông Phạm Quốc Khánh - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố trả lời:
Tính đến tháng 6/2022, số người tham gia BHYT trên địa bàn thành phố Đà nẵng là 1.063.417 người, đạt 96,9% so với Kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2022; độ bao phủ BHYT toàn dân đạt 92,5%.
Duy trì, phát triển bền vững các nhóm đối tượng đã và đang tham gia BHYT, tăng nhanh diện bao phủ, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, là mục tiêu mà BHXH thành phố Đà Nẵng đặt ra và hướng tới. Nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 09/02/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 64/KH-UBND ngày 12/4/2021 của UBND thành đã đề ra, BHXH thành phố đã và sẽ tiếp tục tập trung vào 1 số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
- Chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố các giải pháp trong chỉ đạo, lãnh đạo nhằm phát triển người tham gia BHYT một cách bền vững; thống nhất triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp thành phố đến quận, huyện và xã, phường; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chú trọng tham mưu chỉ đạo, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT đến từng phường, xã;
- Phối hợp với các Sở, Ngành tích cực đề xuất ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, mỗi một cấp cơ quan BHXH, từng bộ phận, lĩnh vực nghiệp vụ phải xây dựng các kịch bản cụ thể, linh hoạt, thay đổi theo từng tình huống, từng thời kỳ, phù hợp với từng địa phương, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. 
- Về công tác truyền thông, BHXH thành phố chủ động thông tin, đi trước một bước để người dân nắm được những thay đổi trong chính sách BHYT. Trong đó, chú trọng truyền thông đến nhóm nhỏ, có tính đặc thù, truyền thông phải rõ kết quả đầu ra, rõ tiêu chí đánh giá, cụ thể là số người tham gia BHYT…; thực hiện linh hoạt các hình thức thông tin, tuyên truyền, đảm bảo thông tin đến được với đông đảo người dân.
- Tăng cường rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHYT để thực hiện đôn đốc, yêu cầu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động theo quy định Luật BHYT. 




Xem Nguyễn Thị Dương hỏi:
Tôi đã đăng ký tham gia Bảo hiểm y tế cho mình và mọi người trong gia đình. Tôi muốn biết quy trình thủ tục khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và quy trình thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế như thế nào?

Theo quy định, về thủ tục khi đi KCB BHYT như sau: Người bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh, nếu thẻ BHYT không có ảnh thì phải xuất trình thêm một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người bệnh.
Nếu Bạn đã cài đặt ứng dụng "VssID - BHXH số" trên điện thoại thông minh, thì bạn có thể xuất trình thẻ BHYT trên ứng dụng VssID. Nhân viên tiếp nhận sẽ quét mã QR thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của bạn để hoàn thiện thủ tục một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.
Còn về thủ tục chuyển tuyến KCB BHYT, bạn phải xuất trình các giấy tờ trên và giấy chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế.
Riêng với trường hợp cấp cứu phải xuất trình giấy tờ trên chậm nhất trước khi ra viện




Xem Tiến Minh hỏi:
Bố của tôi tuần rồi có đi khám ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Bác sĩ nói là bị phình động mạch chủ ngực và chỉ định mổ đặt stent graft vào tháng tới. Xin cho hỏi nếu mổ như vậy thì bên Bảo hiểm y tế sẽ chi trả khoảng bao nhiêu ạ? Bố tôi đã tham gia Bảo hiểm y tế trên 5 năm ạ. Xin cám ơn!

Theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, người tham gia BHYT khi đi KCB BHYT có xuất trình đầy đủ thủ tục, thực hiện chuyển tuyến đúng quy định thì sẽ được hưởng quyền lợi trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT của người đó.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì bố của Bạn được hưởng 100% chi phí KCB (miễn cùng chi trả) trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT khi đồng thời đạt đủ các điều kiện sau đây:
- Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên;
- Có số tiền cùng chi trả chi phí KCB của những lần đi KCB đúng tuyến trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (hiện nay là 8.940.000 đồng);
- Đi KCN đúng tuyến.
Ngoài ra, đối với một số dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế có quy định điều kiện, tỷ lệ, giới hạn mức thanh toán theo quy định của Bộ Y tế, do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên cơ quan BHXH chưa có cơ sở để trả lời số tiền chính xác mà bố của Bạn được quỹ BHYT thanh toán khi đi mổ




Xem Hoàng Luân hỏi:
Theo tôi được biết, người dân khi đi khám chữa bệnh có thể dùng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế. Vậy khi đi khám chữa bệnh có cần thẻ mang thẻ bảo hiểm y tế nữa không?

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB BHYT, ngày 28/02/2022, Bộ Y tế đã có Công văn số 931/BYT-BH về việc hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp
Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn, đề nghị các cơ sở y tế triển khai tiếp đón, tổ chức KCB cho người bệnh có căn cước công dân gắn chíp có tích hợp mã thẻ 
Như vậy, đối với các trường hợp đã được tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế trong Căn cước công dân gắn chip thì công dân chỉ cần sử dụng thẻ Căn cước công dân đi khám chữa bện mà không cần thẻ Bảo hiểm y tế hay các giấy tờ tùy nhân khác. Các trường hợp chưa được tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế trong Căn cước công dân thì cần phải xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế giấy hoặc ứng dụng VssID khi đi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.




Xem Phan Hữu Vẽ hỏi:
Tôi có Bảo hiểm y tế đối tượng thân nhân quân nhân hết hạn tháng 7 năm 2022. Vậy tôi mua Bảo hiểm y tế tự nguyện từ tháng 8 năm 2022 có được tính liên tục không ?

Theo khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146 năm 2018 của Chính phủ quy định: “….Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước. Người tham gia BHYT 05 năm liên tục là người có thời gian tham gia BHYT gián đoạn không quá 03 tháng”.
Bạn căn cứ quy định nêu trên để biết.




Xem Huỳnh Ngọc Chung hỏi:
Tôi có thẻ Bảo hiểm y tế đăng ký Khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quận, khi tôi muốn đi Khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế vượt tuyến, trái tuyến hoặc cấp cứu, thì được hưởng quyền lợi như thế nào?

Người bệnh KCB BHYT vượt tuyến, trái tuyến (trừ trường hợp cấp cứu), nếu xuất trình đầy đủ thủ tục, thì được hưởng 100% chi phí KCB theo mức hưởng đối với BV tuyến huyện; 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng đối với Bệnh viện tuyến tỉnh; 40% chi phí điều trị nội trú đối với Bệnh viện tuyến Trung ương.
Với trường hợp cấp cứu, thì người bệnh được đến KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định trên trước khi ra viện.
Đối với trường hợp đang đi công tác; làm việc lưu động, đi học tập trung không may bị bệnh, thì sẽ được KCB ban đầu tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT và xuất trình các giấy tờ như nêu trên cùng một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản sao): Giấy công tác hoặc Quyết định cử đi học và Giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú.




Xem Nguyễn Tiến Bách hỏi:
Tôi bị Suy thận, đã có giấy chuyển tuyến Khám chữa bệnh đến Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng đầu năm 2021, định kỳ tái khám theo giấy hẹn của Bệnh viện Đa Khoa trong năm 2021 (sau mỗi lần tái khám, Bệnh viện lại hẹn thời gian tái khám lần sau); đến cuối năm 2021, Bệnh viện Đa Khoa có giấy hẹn tái khám vào ngày đầu tháng 01/2022; vậy trong trường hợp này tôi đến tái khám có được coi là Khám chữa bệnh đúng tuyến không? (Tôi có nơi đăng ký Khám chữa bệnh ban đầu là Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Xin trân trọng cảm ơn!

Theo các quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, đối với các bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư số 46/2016/TT-BYT thì được cấp Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong năm tài chính (từ ngày được cấp đến hết ngày 31/12 của năm đó). Như vậy, Giấy chuyển tuyến của Bạn sẽ hết hạn kể từ ngày 31/12/2021 và để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi tái khám theo giấy hẹn của Bệnh viện vào 1/2022, Bạn cần thực hiện xin cấp Giấy chuyển tuyến mới để sử dụng khi đi KCB BHYT trong năm 2022




Xem Minh Hoàng hỏi:
Cho tôi hỏi gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Hàng năm, nhận được thẻ Bảo hiểm Y tế nghèo ở phường. Hiện tại, tôi đi làm ở doanh nghiệp và muốn đóng Bảo hiểm xã hội tại Công ty tôi đang làm. Nhưng Công ty bảo phải cắt giảm Bảo hiểm Y tế nghèo tại địa phương. Vậy tôi phải cần giấy tờ cần thiết gì và tới đâu tại địa phương để làm thủ tục đó.

- Tại khoản 6 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định đối tượng tham gia BHYT theo thứ tự sau:
+ Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, trong đó quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
+ Nhóm do cơ quan BHXH đóng
+ Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
+ Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
+ Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình
- Tại điểm 2 khoản 7 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại khoản 6 trên.
Như vậy, sau khi đi làm Bạn thuộc đối tượng đóng BHYT bắt buộc theo Nhóm 1 nêu trên và phải giảm thẻ BHYT hộ nghèo (Nhóm 3) là đúng quy định hiện hành. Bạn có thể cung cấp Hợp đồng lao động để chứng minh thuộc đối tượng tham gia BHYT Nhóm 1 và đề nghị UBND xã, phường nơi cấp thẻ BHYT hộ nghèo làm thủ tục điều chỉnh giảm. 
Nếu sau khi đi làm, Bạn vẫn được UBND xã, phường nơi cư trú cấp chứng nhận thuộc đối tượng hộ nghèo thì quyền lợi ghi trên thẻ BHYT được đổi theo đối tượng hộ nghèo theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Bạn có thể thông qua doanh nghiệp hoặc liên hệ với cơ quan BHXH nơi Bạn tham gia BHXH, BHYT để đổi mã quyền lợi, thủ tục gồm có: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (theo mẫu TK1-TS), thẻ BHYT, Giấy chứng nhận thuộc đối tượng hộ nghèo.




Xem Xuân Hoài hỏi:
Tôi là người ngoại tỉnh, hiện đang công tác và làm việc tại Đà Nẵng, tôi có sổ tạm trú tại Đà Nẵng. Tôi có đăng ký mua Bảo hiểm Y tế tại Bệnh viện đa khoa Gia Đình tại Đà Nẵng bằng sổ tạm trú và Chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, tôi đăng ký mua Bảo hiểm Y tế tại bệnh viện ngày 09/5/2022, hiện tại tôi đã được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế nhưng bên bệnh viện thông báo với tôi đến ngày 06/6/2022 thẻ Bảo hiểm Y tế của tôi mới có thể sử dụng được. Nhờ Bảo hiểm xã hội giải đáp, bệnh viện thông báo thời gian sử dụng thẻ như vậy đã đúng chưa? Và thẻ Bảo hiểm Y tế của tôi sẽ được hưởng các chế độ khám chữa bệnh như thế nào? 

Tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số diều của Luật BHYT quy định người có tên trong sổ tạm trú thì tham gia BHYT theo hộ gia đình.
  Tại Khoản 8 Điều 13 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định người tham gia BHYT hộ gia đình tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 03 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT.
 Tại Điểm g Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình được hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Căn cứ vào quy định trên, trường hợp Bạn mua thẻ BHYT hộ gia đình lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 03 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT  của Bạn có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT và mức hưởng là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đề nghị Bạn kiểm tra lại Biên lai thu tiền để xác định thời gian đóng tiền mua thẻ BHYT hộ gia đình




Xem Ngô Thị Vân Anh, Thanh Khê hỏi:
Con tôi học tại Trường tiểu học Trần Cao Vân, tôi muốn mua thẻ Bảo hiểm Y tế hộ gia đình cho cháu tại địa phương để được giảm trừ mức đóng nhưng địa phương không cho. Cho Tôi hỏi vì sao như vậy và Tôi nghĩ ở đâu có lợi cho tôi thì tôi tham gia.

- Tại khoản 2 Điều 16 Luật BHYT số 25/2008/QH12 quy định mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT.
- Tại khoản 6 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định đối tượng tham gia BHYT theo thứ tự sau:
+ Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
+ Nhóm do cơ quan BHXH đóng
+ Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
+ Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
+ Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình
- Tại điểm 2 khoản 7 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại khoản 6 trên.
Căn cứ vào quy định trên, con Bạn đang theo học tại trường học thì thuộc đối tượng tham gia theo nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, xếp trên đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Vì vậy, Bạn phải tham gia BHYT tại trường học cho con Bạn. Khi tham gia BHYT tại trường, con Bạn đã được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT tương đương với số tiền 241.380 đồng/12 tháng, chỉ đóng 70% tương đương với số tiền 563.220 đồng/12 tháng.




Xem Đắc Kiên hỏi:
Xin hỏi đến Chương trình mức đóng, phương thức đóng và nơi đăng ký tham gia Bảo hiểm Y tế đối với Học sinh sinh viên như thế nào? Xin cám ơn.

 Ông Trương Công Hùng – Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng trả lời:

 Tại Điều 7 và Điều 8 của Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (tương đương với 4,5% x 1.490.000 = 67.050 đồng/ học sinh/ tháng và 1 năm là 804.600 đồng). Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, HSSV chỉ đóng 70% mức đóng nên số tiền thực tế mà mỗi HSSV sẽ đóng là 46.935 đồng/tháng, tương đương với 563.220 đồng/năm.
Về phương thức và nơi đăng ký tham gia:
Phụ huynh, HSSV có thể lựa chọn phương thức đóng BHYT định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng và đăng ký tham gia tại cơ sở giáo dục, nhà trường nơi HSSV đang theo học.
đơn vị tính: Đồng


Phương thức

HSSV đóng 70%

Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%

Tổng mức đóng BHYT

3 tháng

140.805

60.345

201.150

6 tháng

281.610

120.690

402.300

12 tháng

563.220

241.380

804.600





Xem Lê Thị Hà Hoa hỏi:
Trước đây, con tôi được Nhà nước cấp thẻ Bảo hiểm Y tế miễn phí, nhưng khi vào lớp 1 thì không còn được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế miễn phí nữa mà Nhà trường nói phải nộp tiền thì mới được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế. Cho tôi hỏi vì sao như vậy hay là trong giai đoạn này không còn chính sách hỗ trợ miễn phí nữa?

Tại Điều 3, Điều 9 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định trẻ em dưới 6 tuổi được Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.
Tại Điều 4, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định học sinh thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT. 
Vì vậy, đối với trường hợp con Bạn, đã vào lớp 1, không còn thuộc nhóm được Ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, con của Bạn phải tham gia BHYT với mức đóng là 563.220 đồng/12 tháng (đóng 70%, đã được Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT).




Xem Trương Mỹ Lệ, phường Tân Chính hỏi:
Vừa rồi cả lớp cháu tham gia Bảo hiểm Y tế nhưng do sơ suất đánh máy nên ngày tháng sinh không khớp với giấy khai sinh nên khi đi Khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế không được chi trả. Vậy cháu muốn sửa lại ngày tháng năm sinh trên thẻ Bảo hiểm Y tế thì phải làm gì? 


Khi thông tin trên thẻ BHYT không đúng thì người tham gia BHYT được đổi thẻ BHYT. Trong thời gian không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH sẽ đổi thẻ BHYT cho người tham gia.
Hồ sơ thủ tục đổi thẻ BHYT bao gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh.




Xem Nguyễn Yến, Hải Châu hỏi:
Tôi vừa mới học đại học ra trường và đang ký hợp đồng thử việc tại Công ty TNHH Linh Việt. Trong thời gian này tôi đang có thẻ Bảo hiểm y tế hộ gia đình. Vậy tôi dùng thẻ Bảo hiểm y tế nào để đi khám chữa bệnh? 

- Tại khoản 2 Điều 16 Luật BHYT số 25/2008/QH12 quy định mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT.
- Tại khoản 6 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định đối tượng tham gia BHYT theo thứ tự sau:
+ Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, trong đó quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
+ Nhóm do cơ quan BHXH đóng
+ Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
+ Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
+ Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình
- Tại điểm 2 khoản 7 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại khoản 6 trên.
Theo như Bạn trình bày, Bạn đang trong quá trình thử việc nên Bạn không thuộc đối tượng tham gia BHYT tại đơn vị sử dụng lao động. Bạn tiếp tục sử dụng thẻ BHYT hộ gia đình trong quá trình thử việc cho đến khi Bạn ký HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên tại đơn vị sử dụng lao động.




Xem Vũ Đình Hùng, Ngô Quyền hỏi:
Tôi đã đăng ký tham gia Bảo hiểm y tế, nhưng do vô ý đã đánh rơi mất thẻ BHYT. Vậy, Tôi phải làm thủ tục cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế ở đâu?

 Theo quy định, nếu Bạn đã cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh, thì bạn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB BHYT mà không cần xin cấp lại thẻ BHYT giấy.

Trong trường hợp điện thoại của bạn không cài đặt được ứng dụng VssID, thì bạn có thể đến các BHXH quận, huyện gần nhất để xin cấp lại thẻ BHYT trong địa bàn toàn thành phố.




Xem Nguyễn Thị Phi Na hỏi:
Tôi tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình. Tuy nhiên, trên thẻ Bảo hiểm y tế không ghi thời hạn sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế nên tôi không biết thẻ hết hạn khi nào. Vậy tôi phải làm sao để biết thời hạn sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế

       

 Bạn có thể tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT trên tại địa chỉ baohiemxahoi.gov.vn hoặc soạn tin nhắn với cú pháp: BH THE Mã số BHXH gửi tới số 8079.




Xem Hùng Cường hỏi:
 Tôi trình Căn cước công dân khi đi khám tại Bệnh viện thì được Bệnh viện báo không có thông tin và yêu cầu xuất trình thẻ Bảo hiểm y tế và chứng minh nhân dân, như vậy có đúng không?

Theo hướng dẫn tại Công văn số 931/BYT-BH của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD:
Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp:
- Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở KCB thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi KCB BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp. 
- Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT: Giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Đối với người bệnh chưa được cấp CCCD có gắn chíp: Thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình KCB BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Trường hợp của Bạn có thể do chưa được đồng bộ CSDL nên hệ thống không có thông tin, Bạn cần xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tuỳ thân có ảnh theo yêu cầu của bệnh viện.




Xem Lê Thị Hồng Gấm hỏi:
Tôi có thẻ Bảo hiểm y tế đăng ký nơi Khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện C Đà Nẵng (Bệnh viện tuyến trung ương) nếu tôi đi khám thai định kỳ tại Bệnh Sản Nhi Đà Nẵng (bệnh viện tuyến tỉnh) thì sẽ được Bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả bao nhiêu phần trăm. Và khi sinh con tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng thì sẽ được hỗ trợ chi trả bao nhiêu phần trăm.

Theo quy định tại Điều 22 của Luật BHYT: Trường hợp Bạn đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện C Đà Nẵng tự đến KCB không đúng tuyến tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng (Bệnh viện Tuyến tỉnh) để khám thai định kỳ (KCB ngoại trú) thì sẽ không được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí KCB này.
Trường hợp bạn tự đến KCB không đúng tuyến tại Bệnh viện Sản Nhi để sinh con (KCB nội trú) và thực hiện đầy đủ thủ tục KCB BHYT (xuất
trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) thì sẽ được quỹ BHYT
thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức
hưởng ghi trên thẻ của bạn. Tuy nhiên, do bạn đi KCB trái tuyến nên bạn không
được miễn chi phí cùng chi trả chi phí KCB (nếu có) trong trường hợp bạn đã
tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả trong năm của
những lần đi KCB đúng tuyến vượt quá 6 tháng lương cơ sở và phần chi phí
cùng chi trả của bạn trong đợt điều trị này cũng không được xác định là điều
kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.




Xem Ngọc Ân hỏi:
Doanh nghiệp có đóng Bảo hiểm y tế cho tôi đến tháng 30/10/2021, sau đó tôi nghỉ việc. Đến tháng 06/2022, tôi làm việc tại doanh nghiệp mới và doanh nghiệp bắt đầu đóng lại bảo hiểm cho tôi. Trong thời gian nghỉ việc tôi có tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình 1 năm từ ngày 01/12/2021 đến ngày 30/11/2022. Khi công ty thực hiện đóng bảo hiểm thì nhận được câu trả lời là phải cắt bảo hiểm hộ gia đình trước khi tham gia bảo hiểm. Nhưng khi tôi quay lại địa phương để cắt bảo hiểm hộ gia đình thì không chấp nhận cho tôi cắt bảo hiểm nếu như tôi chưa có Bảo hiểm y tế mới do doanh nghiệp đóng. Trong trường hợp như thế này cả 2 bên không chịu giải quyết cho tôi để tôi được hưởng quyền lợi bảo hiểm từ doanh nghiệp. Vậy tôi phải làm gì để bảo đảm quyền lợi cho tôi. 

- Tại khoản 2 Điều 16 Luật BHYT số 25/2008/QH12 quy định mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT
- Tại khoản 6 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định đối tượng tham gia BHYT theo thứ tự sau:
+ Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, trong đó quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
+ Nhóm do cơ quan BHXH đóng
+ Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
+ Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
+ Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình
- Tại điểm 2 khoản 7 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại khoản 6 trên.
- Tại Điều 20 Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT quy định người tham gia BHYT được hoàn trả tiền đóng BHYT khi người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo thứ tự trên).
Căn cứ vào quy định trên, đề nghị Bạn liên hệ với đơn vị sử dụng lao động báo tăng đi làm lại (trong trường hợp Bạn làm việc và hưởng lương trên 14 ngày làm việc trong tháng). Sau đó, Bạn liên hệ với Tổ chức dịch vụ thu hoặc cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT hộ gia đình để làm thủ tục hoàn trả thẻ BHYT hộ gia đình. 




Xem Trần Thị Huyền Trang hỏi:
 Xin chào, Tôi mua Bảo hiểm y tế ở Trạm y tế xã của tỉnh, nhưng hiện tại đã tạm trú ở TP Đà Nẵng thì có sử dụng được Bảo hiểm y tế không? Nếu có thì cụ thể, thẻ của tôi có khám được ở Trung tâm Y tế Hải Châu hay không? Cảm ơn.

Theo quy định tại Điều 22 Luật BHYT trường hợp Bạn đăng ký KCB
BHYT ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã của tỉnh khác nhưng muốn tự đi KCB tại
TP.Đà Nẵng và thực hiện đầy đủ thủ tục KCB BHYT (xuất trình thẻ BHYT và giấy
tờ chứng minh nhân thân có ảnh) thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán:
- Tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
(TTYT Hải Châu là bệnh viện tuyến huyện): được quỹ
BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và
mức hưởng ghi trên thẻ.
- Tại các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn thành phô Đà Nẵng: được
quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của
quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ; Không được quỹ BHYT thanh toán chi
phí KCB ngoại trú.
- Tại các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi
trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ; Không được quỹ BHYT thanh
toán chi phí KCB ngoại trú.




Xem Nguyễn Nhã Uyên hỏi:
Em là lao động tự do, có đóng Bảo hiểm y tế hộ gia đình,  vừa qua,  Em có bị dương tính với Covid 19 và được đi Bệnh viện điều trị 11 ngày ở viện, test âm tính về nha cách ly thêm 7 ngày. Vậy cho Em hỏi Trường hợp này tôi có được hưởng chế độ gì không. Tôi xin cảm ơn. 

Ngày 20/4/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 3100/BYT-BH về việc thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Theo đó, tại Công văn cũng hướng dẫn thanh toán chi phí KCB đối với người có thẻ BHYT đang trong thời gian cách ly y tế tập trung do COVID-19 phải KCB tại cơ sở KCB BHYT:
 - Ngân sách nhà nước chi trả chi phí KCB do COVID19, bao gồm: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền...theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
 - Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí KCB các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp đi KCB đúng tuyến, trừ chi phí tại gạch đầu dòng thứ 1;
- Người có thẻ BHYT tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng BHYT (nếu có) theo quy định của pháp luật về BHYT.
Như vậy, trường hợp người lao động có tham gia BHYT bị mắc COVID-19 phải điều trị/cách ly thì phần chi phí này không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT.




Xem Minh Hoàng hỏi:
Công ty tôi làm việc đang tạm thời dừng hoạt động do không có công trình để hoạt động, tôi được thông báo là người lao động làm dưới 14 ngày sẽ không được mua Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm Y tế, cho tôi hỏi liệu việc ngừng mua Bảo hiểm Y tế có ảnh hưởng đến tính liên tục đối với việc tham gia bảo hiểm của tôi hay không? 

- Tại khoản 3 Điều 85 Luật BHXH, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó; khoản 2 Điều 3 Luật BHYT quy định mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH. Như vậy, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương thì không thuộc đối tượng đóng BHXH, BHYT.  
- Tại  Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.
Như vậy, nếu Bạn tham gia BHYT gián đoạn trên 03 tháng thì thời gian tham gia BHYT không được tính là 05 năm liên tục và Bạn sẽ không được hưởng quyền lợi 100% chi phí khám bênh, chữa bệnh khi có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến. Bạn có thể tham gia BHYT hộ gia đình thông qua các Tổ chức dịch vụ hoặc BHXH quận, huyện để đảm bảo thời gian tham gia BHYT liên tục.




Xem Thanh Sơn, quận Liên Chiểu hỏi:
Nhà tôi thuộc hộ nghèo tại phường Hòa Minh, được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế miễn phí hộ nghèo. Tuy nhiên, con tôi vừa nhập học đại học thì có khoản đóng Bảo hiểm Y tế. Con tôi đã có thẻ Bảo hiểm Y tế hộ nghèo rồi thì tham gia Bảo hiểm Y tế sinh viên làm gì nữa. Con tôi phải làm thế nào để không phải đóng khoản tiền BHYT này.

- Tại khoản 2 Điều 16 Luật BHYT số 25/2008/QH12 quy định mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT.
- Tại khoản 6 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định đối tượng tham gia BHYT theo thứ tự sau:
+ Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
+ Nhóm do cơ quan BHXH đóng
+ Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
+ Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
+ Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình
- Tại điểm 2 khoản 7 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại khoản 6 trên.
Căn cứ vào quy định trên, con Bạn thuộc hộ nghèo thì thuộc nhóm được Ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, xếp trên nhóm tham gia BHYT HSSV. Con Bạn chỉ cần cung cấp cho Nhà trường Thẻ BHYT hộ nghèo thì không cần phải tham gia BHYT sinh viên tại Trường.




Xem Thanh Huyền hỏi:
Em đang làm tại 1 doanh nghiệp nhưng đơn vị đang nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế. Vậy thẻ Bảo hiểm Y tế của Em có được sử dụng để khi Khám chữa bệnh không?

Tại  khoản 9 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT ngày 13/6/2014 (Luật số 46/2014/QH13)  sửa đổi, bổ sung Điều 15 về phương thức đóng BHYT quy định: “Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT”; 
Tại khoản 28 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung Điều 49 quy định: “Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT;
b) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.”
Như vậy, trường hợp đơn vị sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ tiền BHYT theo quy định, cơ quan BHXH sẽ không cấp thẻ BHYT hoặc giảm giá trị sử dụng thẻ BHYT của tháng tiếp theo; đồng thời, đơn vị sử dụng lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.




Xem Nguyễn Văn Quốc hỏi:
Tôi đang mua Bảo hiểm Y tế tại hộ gia đình ở địa phương, tháng 7 này tôi mới xin được việc làm và công ty đóng Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Tai nạn  cho tôi, nhưng tôi muốn tham gia tiếp Bảo hiểm Y tế ở địa phương có được không.

- Tại khoản 2 Điều 16 Luật BHYT số 25/2008/QH12 quy định mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT.
- Tại khoản 6 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định đối tượng tham gia BHYT theo thứ tự sau:
+ Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
+ Nhóm do cơ quan BHXH đóng
+ Nhóm do ngân sách nhà nước đóng
+ Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
+ Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình
- Tại điểm 2 khoản 7 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại khoản 6 trên.
Căn cứ vào các quy định trên, Bạn đã tham gia BHYT tại đơn vị sử dụng lao động nên Bạn không thể tham gia BHYT hộ gia đình tại địa phương.